Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa gây ra nỗi ám ảnh với nhiều người khi thời tiết chuyển sang đông, hanh khô. Bởi lẽ, môi trường khô lạnh khiến vùng da bị viêm trở nên co cứng, nứt nẻ, chảy máu và ngứa ngáy rất khó chịu. Cùng bài viết tìm hiểu tường tận về nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa căn bệnh quái ác này trong bài viết hôm nay.
Mục lục
Viêm da cơ địa là gì ?
Viêm da cơ địa (Atopic dermatitis) còn có nhiều tên gọi khác như: Bệnh chàm thể tạng, bệnh sẩn ngứa besnier, bệnh liken đơn mạn tính. Đây là một bệnh viêm da mãn tính có đặc điểm là tiến triển theo từng đợt, hay tái phát, thường bắt đầu hình thành bệnh ở trẻ nhỏ với các tổn thương dạng chàm trên da và gây ngứa.
Hình ảnh bệnh nhân bị viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa thường xuất hiện ở những người có tiền sử bản thân hoặc trong gia đình có người mắc bệnh liên quan đến dị ứng như: Bệnh viêm mũi – viêm xoang dị ứng, bệnh hen suyễn, nổi mề đay, sẩn ngứa hoặc bị dị ứng thuốc.
Viêm da cơ địa dị ứng cũng là bệnh có tính dễ tái phát bởi đặc trưng vòng xoắn: Gây ngứa – người bệnh gãi – gây mẩn đỏ.
Viêm da cơ địa có nguy hiểm không ?
Hầu hết các bệnh lý liên quan đến tình trạng da bị viêm đều gây cảm giác ngứa ngáy cực kỳ khó chịu, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người bệnh. Đánh giá về mức độ nguy hiểm của bệnh viêm da cơ địa, theo các bác sĩ, bệnh này không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng nó cần được điều trị dứt điểm vì có thể gây ra các biến chứng nặng nề như:
- Viêm da cơ địa gây nhiễm trùng da hoặc bội nhiễm vi khuẩn nếu người bệnh gãi nhiều. Việc gãi vùng da bệnh không những làm tổn thương da mà đó còn là điều kiện để vi khuẩn từ móng tay tiếp xúc với vết thương và gây nhiễm trùng, lở loét hoặc không cẩn thận còn gây hoại tử.
- Viêm da cơ địa bội nhiễm do virus thì còn gây sốt, mọc mụn nước trên da, tổn thương nội tạng và có thể gây tử vong nếu bệnh tiến triển nặng.
- Viêm da cơ địa mãn tính nếu điều trị sai hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ khiến người bệnh bị mẩn đỏ toàn thân, bị sốt rét, rất ngứa và khó điều trị.
- Ảnh hưởng đến thị giác: Nếu viêm da cơ địa xuất hiện ở vùng da mỏng quanh mắt thì sẽ gây hại cho thị giác khi vi khuẩn có thể xâm nhập cùng các tổn thương da gây viêm kết mạc mắt, viêm mí mắt, chảy nước mắt liên tục…
- Sẹo: Bệnh viêm da cơ địa gây ra sẹo, các vết sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ cùng các vết ngứa, mẩn đỏ khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp.
- Biến chứng khác: Theo thống kê, có khoảng 30-50% người bệnh sẽ phải đối mặt với các bệnh dị ứng khác như: viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, hen phế quản.
Ngoài những biến chứng nguy hiểm trên, viêm da cơ địa nguy hiểm ở chỗ nó tái đi tái lại nhiều lần và có thể lan rộng đến nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể, việc điều trị rất tốn kém, mất thời gian.
Nguyên nhân viêm da cơ địa
Theo tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu”, theo nghiên cứu thì viêm da cơ địa là một bệnh về dị ứng, liên quan đến hệ miễn dịch và tính di truyền. Vì vậy, có 3 nguyên nhân chính gây bệnh là: Môi trường sống, hàng rào bảo vệ da bị tổn thương và đáp ứng miễn dịch bị rối loạn. Theo đó:
Môi trường sống
- Yếu tố gia đình: Qua nghiên cứu có thể thấy ở người bệnh viêm da cơ địa có xuất hiện đột biến gen mã hóa các protein cấu trúc biểu bì. Vì vậy, nếu cả bố mẹ đều mắc bệnh dị ứng thì 79% con cái sinh ra sẽ mắc bệnh giống như cha mẹ. Thống kê bệnh học cũng cho thấy 73% trẻ em mắc bệnh có tiền sử gia đình có người mắc bệnh.
- Bị bệnh viêm da cơ địa có thể do môi trường sống bị ô nhiễm, không khí có các dị nguyên như bụi, len, dạ, rệp, bọ, lông động vật…
- Dị ứng với thức ăn: Trứng, đậu nành, sữa, hải sản, lạc, bột mỳ…
- Bị viêm da cơ địa có thể do thời tiết hanh khô, chuyển đổi nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh đột ngột.
- Điều kiện vệ sinh hạn chế: Nhiễm khuẩn tụ cầu vàng, chủng ngừa vaccine, dị ứng với hóa chất tẩy rửa, xà phòng…
“Hàng rào” bảo vệ da bị tổn thương
Là tình trạng bị suy giảm nồng độ lipid ở da (ceramides, acid béo, cholesterol, lipid gian bào, men tiêu protein nội sinh trên da tăng cao…). Tất cả những điều trên khiến cho da bị mất nước, khô, tế bào da bị biến dạng, da mất sức đề kháng… Đây là điều kiện tốt để các dị ứng nguyên hoặc vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây hại.
Tùy vào từng giai đoạn của bệnh sẽ có các hiện tượng tăng giảm đáp ứng miễn dịch với các tác nhân viêm khác nhau. Sự mẫn cảm quá mức của trung gian miễn dịch IgE trong bệnh nhân.
Triệu chứng viêm da cơ địa
Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm các tổn thương da khô và ngứa. Điển hình là:
Tùy theo lứa tuổi, bệnh viêm da cơ địa sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Ở trẻ sơ sinh
Trẻ thường mắc bệnh sớm ở khoảng 3 tuần tuổi. Biểu hiện là các vết phát ban đỏ xuất hiện trên da bé, các mụn nước nông rất dễ vỡ mọc ở 2 bên má, ở da đầu, trên trán hoặc ở cổ, ở bắp chân.
Bệnh có thể lặn rồi tái phát trở lại nhiều lần cho đến khi bé được 18-24 tháng tuổi. Bé bị viêm da cơ địa rất dễ bị dị ứng và nhạy cảm với nhiễm trùng, tiêm chủng, thay đổi môi trường, thay đổi thời tiết hoặc mọc răng. Khi trẻ biết bò thì sẽ thấy xuất hiện các tổn thương trên đầu gối.
Trẻ bị dị ứng với một số đồ ăn như: Sữa, thịt bò, hải sản…
Ở trẻ em
Thường là phát triển bệnh từ thời kỳ sơ sinh.
Bệnh viêm da cơ địa biểu hiện ở các vết sần đỏ trên da, các vết trợt, mảng da dày, các nốt mụn nước khu trú hoặc lan tỏa cấp tính, có thể có nhiễm khuẩn thứ phát mọc ở kheo tay/chân, nếp gấp khuỷu tay, 2 bên mí mắt, cổ và xuất hiện vết sạm da mạng lưới. Trẻ mắc bệnh thường rất biếng ăn và bị suy dinh dưỡng.
Bệnh thường biểu hiện cấp tính nếu trẻ tiếp xúc với động vật, gia cầm hoặc mặc đồ len, đồ dạ.
Khoảng 50% trẻ sẽ khỏi bệnh khi được 10 tuổi.
Ở người lớn
Đặc trưng bởi các nốt mụn nước và các vết mẩn đỏ có hình dẹt xuất hiện trên nếp gấp tay, nếp gấp chân, cổ hoặc rốn. Ngoài ra, người bệnh có thể bị viêm da xung quanh mí mắt và bị chàm ở vú.
Có 20-80% người bệnh bị viêm da cơ địa ở lòng bàn tay và ở chân và đây cũng được xem là dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn thường tái phát nhiều lần và có tính chất mãn tính.
Bệnh thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như dị nguyên, tâm sinh lý và môi trường, thời tiết.
Một số triệu chứng lâm sàng khác
- Khô da do việc mất nước qua biểu bì.
- Da đóng vảy như da cá, da vùng lòng bàn tay, bàn chân dày, dày sừng nang nông và lông mi thưa.
- Môi bị viêm và bong vảy.
- Một số dấu hiệu ở mắt như: Mi dưới có 2 nếp gấp, thâm sạm quanh mắt, đục thủy tinh thể và viêm kết mạc mắt tái diễn nhiều lần gây ra lộn mi.
- Da vẽ nổi trắng.
Chuẩn đoán viêm da cơ địa bằng cách nào?
Chẩn đoán viêm da cơ địa cận lâm sàng
- Huyết thanh có sự tăng nồng độ IgE
- Về mô bệnh học thì thấy phần thượng bì xuất hiện xốp bào xen kẽ với chứng á sừng. Trong khi đó ở phần trung bì thì tìm thấy bạch cầu lympho, dưỡng bào, mono, có thể có tế bào ái kiềm. Nếu là lichen hóa thì thấy có sự tăng sản thượng bì.
- Cần thực hiện test lẩy, test áp nhằm xác định dị nguyên.
Chẩn đoán xác định
Lấy tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka để xác định bệnh viêm da cơ địa. Theo đó,
Tiêu chuẩn chính dựa vào các biểu hiện sau:
- Cảm giác ngứa
- Vị trí cùng với biểu hiện của các tổn thương trên da.
- Tổn thương phát ban tái phát/mạn tính.
- Hỏi tiền sử gia đình có người mắc bệnh dị ứng hay không.
Một số tiêu chuẩn chẩn đoán viêm da cơ địa phụ:
- Hiện tượng khô da, da vảy cá, sừng nang lông dày, tăng đường kẻ ở lòng bàn tay.
- Có viêm da ở chân, tay.
- Viêm môi, chàm vú, nếp gấp ở cổ và vảy phấn… cùng các biểu hiện, triệu chứng đã đề cập ở trên.
- Nếu bệnh nhân xuất hiện từ 3 tiêu chuẩn chính trở lên cùng với từ 3 tiêu chuẩn phụ trở lên thì xác định bệnh.
- Cách phòng ngừa bệnh viêm da cơ địa
Nguyên tắc phòng ngừa bệnh viêm da cơ địa
- Cần giáo dục các kiến thức về bệnh, các nguy cơ gây bệnh và cách điều trị cho mọi người cần nắm rõ.
- Luôn giữ cho môi trường sống ăn ngủ nghỉ và làm việc thoáng đãng, tránh hoặc hạn chế tiếp xúc trực tiếp với gia súc, gia cầm…
- Hạn chế mặc đồ len, đồ dạ, nên mặc đồ may bằng vải cotton, giữ cho nhà sạch sẽ, không bụi bẩn.
- Phòng ngừa và điều trị viêm da cơ địa hiệu quả cần hạn chế căng thẳng quá mức, tắm bằng nước ấm, không tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh.
- Sau khi tắm xong thì cần bôi thuốc để dưỡng ẩm cho da. Xà bông tắm nên lựa chọn loại ít kích ứng, ít hương liệu.
- Đối với trẻ nhỏ, cần vệ sinh sạch sẽ, giữ khô thoáng vùng tã lót cho trẻ.
- Bôi kem dưỡng da, kem dưỡng ẩm hàng ngày vào mùa đông.
- Cân bằng độ ẩm không khí trong phòng vào mùa hanh khô bằng máy tạo ẩm.
- Nếu xác định được thức ăn gây kích thích thì cần loại bỏ thực phẩm đó ra khỏi thực đơn.